Đàn ông ra đường phải có đủ "4 bảo bối" gồm: Đồng hồ, kính, bút và bật lửa. Đó là "nam nhi tứ bảo" xác lập sự trưởng thành của người đàn ông. Đàn ông say mê những món tùy thân này, đặc biệt là nỗi đam mê những cỗ máy đo thời gian tinh xảo, dẫn tới một thú chơi thật tao nhã: sưu tập
đồng hồ cổ.
KHÁT VỌNG SỞ HỮU VÀ KIỂM SOÁT THỜI GIAN
Thế kỷ 18, một số triết gia châu Âu đã dùng đồng hồ như một phép ẩn dụ cho triết lý của mình. Họ đưa ra quan niệm cả vũ trụ là một cỗ máy đồng hồ, được Chúa chế tạo ra, lên dây cót và nó chạy suốt hàng tỉ tỉ năm qua. Niềm cảm hứng, sự đam mê và nỗi ám ảnh về thời gian và đồng hồ đã chảy trong huyết quản con người từ thuở đó.
Nhìn suốt nền văn minh nhân loại,
đồng hồ cổ là một trong những thứ máy móc tinh xảo nhất do con người chế tác. Sự cuốn hút một bộ máy tinh xảo, hoạt động ăn khớp nhịp nhàng nhờ sự phối hợp của hàng trăm bộ phận cơ khí, đo đếm được thời gian vốn vô hình như một thứ ma lực.
Ở Việt Nam, thú chơi và sưu tập đồng hồ đeo tay máy cơ đã xuất hiện khá lâu, tuy nhiên, để trở thành một trào lưu mạnh mẽ thì chỉ từ sau thời kỳ Đổi Mới (1990) đến nay vì có điều kiện kinh tế hơn. Xu hướng chơi cũng khá đa dạng, chia theo thể loại như đồng hồ đeo tay, bỏ túi, để bàn hay treo tường... Trong đó, nhóm chơi đồng hồ đeo tay khá đông bởi nhiều yếu tố.
Thứ nhất, nó không tốn diện tích để lưu trữ, trưng bày như
đồng hồ cổ để bàn hoặc treo tường. Quan trọng hơn, sau năm 1975, lực lượng chuyên gia Thụy Điển sang Việt Nam để giúp xây dựng đất nước, vốn rất sành chơi, đã vét sạch những món đồng hồ để bàn, treo tường cổ do các nhà truyền giáo, cha xứ mang vào Việt Nam từ thời đầu thế kỷ. Nên có muốn chơi cũng chẳng còn mà chơi.
Thứ hai, đồng hồ luôn là đồ quý với người Việt tính từ giai đoạn Đổi Mới đổ về trước. Những thiếu niên, thanh niên không giấu nổi ánh mắt thèm thuồng khi nhìn chiếc Poljot "3 râu" 17 chân kính lấp lánh trên tay người khác. Ám ảnh bị trừng phạt do nghịch đồng hồ của bố hồi nhỏ càng khiến người ta máu sở hữu những "giấc mơ trên cổ tay".
Thứ ba, người chơi dễ khoe báu vật của mình với người khác hơn là khoe đồng hồ treo tường hoặc để bàn. Vì thế thú chơi đồng hồ đeo tay ngày càng phát triển, vì sự thúc đẩy hãy gìn giữ những giá trị đẹp nhưng mong manh và dễ biến mất.
ĐỒNG HỒ LÀ CHỨNG NHÂN CỦA ĐỜI NGƯỜI
"Con người luôn bị ám ảnh về thời gian và thứ có thể đo đếm thời gian. Đó cũng là động cơ khiến tôi mê đồng hồ và ham muốn sưu tập chúng". Đó là tâm sự của anh Nguyễn Quỳnh Sơn, biệt danh Sơn "nhà xác", một tay chơi đồng hồ kỳ cựu ở Hà Nội hiện đang sở hữu hơn một nghìn chiếc đồng hồ đủ chủng loại sau hơn 20 năm sưu tập.
Người đàn ông dáng cao, tuổi quá ngũ tuần, trông như một gã cao bồi già trong bộ đồ jean, trầm ngâm triết lý với tôi về cuộc đời, về đồng hồ và hấp lực của cỗ máy thời gian. Với anh, đồng hồ là một "nhân chứng", là con mắt thứ ba chứng kiến mọi bước thăng trầm trong cuộc đời người đeo nó.
Đồng hồ đếm nhịp, kiểm tra cơn co bóp dạ con chờ đợi sự chào đời của một sinh linh. Nó chứng kiến giây phút một thanh niên mới lớn, rưng rưng khi được bố tặng chiếc đồng hồ, đánh dấu sự trưởng thành. Nó đánh dấu thời điểm chủ nhân tốt nghiệp, đi làm, giây phút yêu đương rồi giờ hôn lễ, khoảnh khắc làm bố, theo dõi con cái phương trưởng, rồi khi về già, ốm đau trên giường bệnh và lúc nhắm mắt xuôi tay. Phải đến lúc đó, đồng hồ mới hết chứng kiến cuộc đời người đeo.
Con người, xét góc độ nào đó cũng như một thứ đồng hồ sinh học của Tạo hóa. Khi con người về với cát bụi, khi chiếc đồng hồ dừng chạy, chỉ có một khái niệm để chỉ: Chết.
Ám ảnh về thời gian và vai trò của chiếc đồng hồ như thế, Sơn "nhà xác" và rất nhiều người cùng chung niềm đam mê gia nhập cuộc chơi săn lùng, sưu tập đồng hồ. Với anh, việc chậm rãi lên dây cót đồng hồ cũng là cách cố gắng kiểm soát thời gian, để sống chậm trong một trường thời gian đang lao vun vút về phía trước.
NGƯỜI SỐNG VỘI KHÔNG CHƠI ĐƯỢC ĐÂU!
Trong giới sưu tập đồng hồ, chẳng mấy khi có bóng hồng. Phụ nữ có mê
đồng hồ cổ thì chẳng qua như mê món đồ trang sức. Họ coi đồng hồ chẳng khác gì chiếc túi Louis Vuitton hay chiếc khăn choàng Hermes.
Đặc tính của thú sưu tập đã phần nào tạo ranh giới giữa nó và phụ nữ. Để chơi đồng hồ, người ta phải có tính tỉ mỉ, ham mê cơ khí và sự hoàn hảo. Họ phải hiểu rõ cấu trúc, nguyên lý hoạt động, tháo lắp, đánh giá tình trạng cấu kiện, điểm dị biệt của từng chi tiết máy và tổng thể để tìm ra nét quý giá, hiếm độc của nó.
Đó chính là kiến thức đồ sộ về
đồng hồ cổ, về thú chơi được tích tụ hàng năm trời nhờ các khả năng nhìn, sờ, nghe, phân tích, so sánh, đánh giá và đúc kết kinh nghiệm. Để chơi "thợ" như thế, họ phải tốn rất nhiều thời gian và công sức, điều quá xa xỉ với phụ nữ, những người luôn thiếu thời gian với thiên chức làm vợ, làm mẹ.
Chính vì thế, ngoài niềm đam mê, có lẽ tính tỉ mỉ, chi tiết là phẩm chất tối cần thiết của người chơi đồng hồ chân chính. Sơn "nhà xác" vẫn nhớ nằm lòng châm ngôn "Từng cm2 một" của bố anh, vốn có nghề tay trái là thợ sửa đồng hồ. Hồi nhỏ, đã rất nhiều lần cả nhà Sơn "nhà xác" đang ngủ say bị bố dựng dậy để tìm một chân kính đồng hồ vừa văng ra khỏi tủ. Cả nhà bò sát mặt đất để tìm kiếm trên từng cm2 đến khi nào thấy thì thôi. Cái tính đó vẫn bám vào anh đến tận bây giờ, khiến anh là con người chỉn chu, tinh tế và tỉ mỉ y như cái máy đồng hồ tinh xảo.
Không có những tính cách trên thì đừng chơi đồng hồ. Trong thú chơi này, lừa đảo là chuyện như cơm bữa bởi
đồng hồ cổ và kính là những món ưa thích bị làm giả. Thế nên, nếu không có bề dày kiến thức, tính tỉ mỉ, cẩn thận mà chỉ chơi theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" thì rất dễ dính đòn.