Chỉ đường →
0
CHUYÊN BÁN ĐỒNG HỒ CỔ - UY TÍN - CÓ BẢO HÀNH
093 464 1088   024 6680 9640
HH1A - Chung cư HH Linh Đàm - Hoàng Mai - Hà Nội

SỐ TÀI KHOẢN
Đào Thị Hạnh 0451 001 392 115 - Vietcombank - Hà Nội
BANDONGHOCO.COM Cafe cổ ngoạn
Săn đồ bao cấp

(Kiến Thức) - 10 năm nay, anh Nguyễn Đức Thuận (32 tuổi, ở số nhà 480 D4, ngõ 209 phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) miệt mài sưu tầm đồ vật thời bao cấp.
Anh Thuận cho hay, từ nhỏ anh được bố mẹ kể nhiều những kỷ niệm về thời bao cấp. Đó là thời kỳ hầu hết hàng hóa nhà nước được phân phối theo chế độ tem phiếu. Lương của người lao động được Nhà nước trả bằng hiện vật. Tuy không được sống trong thời đó nhưng anh muốn được nhìn ngắm những đồ vật gắn liền với lịch sử một thời. Vì thế, 10 năm qua, anh dành thời gian, công sức để sưu tầm những đồ vật thời bao cấp. "Bạn bè tôi, nhiều người chơi đồ cổ. Nhưng tôi chỉ thích chơi đồ bao cấp. Chơi đồ này vừa không sợ bị lừa, vừa gần gũi với thế hệ cha ông đã trải qua", anh Thuận cho biết.
Trong căn phòng nhỏ của gia đình, hàng trăm hiện vật được anh Thuận trưng bày. Ngắm chiếc bình tông, chiếc mũ cối hay chiếc tivi đen trắng, gợi nhớ thời kỳ bao cấp của nước ta.  
Chuyen ve nhung nam lo mo san do bao cap doc la
Để sở hữu chiếc loa kèn, anh Thuận phải dành dụm tiền mấy tháng trời. 
Sưu tầm "bảo vật" từ bãi rác
Mỗi dịp anh Thuận tìm được món đồ bao cấp anh lại khoe với tôi, miệng anh cười thật tươi như mình vừa bắt được vàng vậy. Anh bảo, có đồ vật bao nhiêu năm săn tìm không được, bỗng nhiên nó lại tự đến với mình. Trong những đồ vật anh sở hữu, nhiều thứ anh quý hơn vàng. Nhiều người đã trả giá tới vài chục triệu đồng, nhưng anh giữ lại làm kỷ niệm. Có món đồ anh nhặt được từ bãi rác.
"Trong kho đồ bao cấp của mình, tôi quý nhất là chiếc tivi National trắng đen do Nhật Bản sản xuất. Đồ vật này gắn liền với tuổi thơ của tôi. Ngày nhỏ, tôi nhớ, cả làng tôi duy nhất chỉ có một gia đình sở hữu món đồ đó. Gia đình họ có người đi Liên Xô mua về sử dụng. Khi đó, chưa có điện, muốn xem tivi phải dùng bình ắc quy. 
Vào buổi tối mùa hè, người dân muốn xem phim tivi phải nộp cho gia chủ từ 500 - 1.000 đồng. Hơn 8h tối trước cổng ngõ của gia đình đó, người dân trong vùng đứng kín cửa để "mua vé" vào xem. Đám trẻ chúng tôi, không có tiền mua vé bèn nghĩ ra kế lẻn qua bụi cây sau vườn nhà. Vì thế, khi nhìn thấy chiếc tivi này tôi lại nhớ về ký ức xưa. Thật tình cờ, vào buổi chiều đi làm về, tôi nhìn thấy người ta vứt chỏng chơ chiếc tivi ngoài bãi rác. Tôi tiếc quá, mang về nhờ bác thợ sửa chữa điện tử gần nhà kiểm tra, may thay nó vẫn chạy tốt", anh Thuận kể.
Anh Thuận mở tủ, lấy cho tôi xem 4 tập báo dày cộp được đóng bìa cứng cẩn thận. Mở ra mới thấy, có nhiều bài báo được lưu lại từ những năm 60 của thế kỷ trước. Anh Thuận bảo, những tập báo này anh được một người buôn đồng nát tặng lại. Họ nói, nếu cân lên, đống báo này nhiều lắm cũng chỉ được vài chục nghìn đồng. Biết anh thích sưu tầm những đồ có từ thời bao cấp nên họ tặng. Mỗi khi rảnh rỗi, anh lại mở báo ra đọc, tìm hiểu những thông tin về thời kỳ bao cấp ở nước ta.
Chuyen ve nhung nam lo mo san do bao cap doc la-Hinh-2
 Chiếc tivi đen trắng được anh Thuận coi như "báu vật".
Đồ vật đại gia thời bao cấp 
Anh Thuận cho hay: "Trong những món đồ tôi sở hữu, chiếc loa kèn cổ là đắt giá nhất. Mấy năm trước, nhờ người bạn giới thiệu trên quận Tây Hồ có một gia đình muốn bán chiếc loa kèn cổ, tôi đến hỏi mua. Theo lời kể của gia chủ, chiếc loa kèn được một gia đình quý tộc bên Pháp mang sang. Sau ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954), gia đình họ đã trở về Pháp sinh sống. Trước khi về nước họ đã tặng chiếc loa kèn này cho gia đình sống trên quận Tây Hồ đó. Thời bao cấp, cả khu phố chỉ có gia đình họ có chiếc loa kèn này. Gia đình họ chuyển vào Sài Gòn sinh sống, không thể đem theo nó, nên họ quyết định bán. Họ nói trước đây, có người từng trả hơn 100 triệu đồng, nhưng họ không bán. Biết tôi sưu tầm đồ vật để giữ gìn, họ nhượng lại với giá 23 triệu đồng". 
Trước khi mua loa kèn anh Thuận rất đắn đo, vì để có số tiền đó anh phải dành dụm thời gian dài. Cuối cùng anh cũng quyết định mua, vì không cưỡng lại sở thích của mình.
Cách đây ít tháng, trong một lần đi làm về, tình cờ anh nhìn thấy trong cửa hàng phế liệu có cuốn sổ. Mở ra mới biết đó là album ảnh đen trắng một gia đình ở Hà Nội. Biết nó quý giá, anh đã bỏ tiền mua lại. "Mặt sau những tấm ảnh đó ghi chụp năm 1954. Trong ảnh có nhiều thế hệ đứng chụp chung. Tôi cho rằng, ở thời điểm đó, phải là những gia đình giàu có mới làm album ảnh như thế. Trong ảnh, gia đình họ có nhiều đồ đạc đắt tiền. Có dịp nào đó, tôi sẽ đi tìm những người trong ảnh, để gửi họ album ảnh này. Có thể gia đình họ bị thất lạc những tấm hình từ thời kỳ chiến tranh", anh Thuận cho biết.
Chuyen ve nhung nam lo mo san do bao cap doc la-Hinh-3
Một chiếc điện thoại thời bao cấp
Đồ vật chỉ biếu, không bán
Nhiều người biết anh không giàu có gì, nhưng sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua đồ vật, họ bảo anh ngông. Nhưng tính anh là thế, vì đam mê đồ cũ, anh không ngần ngại khi mua. Anh Thuận bảo, có nhiều đồ vật anh rất thích, nhưng là đồ kỷ niệm nên nhiều người không bán. Tuy nhiên, nhờ sự nhiệt huyết của anh có người sẵn sàng nhượng lại đồ quý. 
Mấy năm trước, một gia đình ở Triều Khúc, Hà Nội có chiếc xe đạp Pơ-giô gác trên tường không đi. Anh đến hỏi mua, ban đầu họ nói đây là vật bạn tặng làm kỷ niệm nên không bán. Anh Thuận rất thích thú chiếc xe đạp, nên trong suốt 2 tháng trời anh đến thuyết phục gia chủ nhượng lại. Thấy anh là người có nhiều tâm huyết với đồ vật thời bao cấp, cuối cùng họ đã tặng cho anh.
Chuyen ve nhung nam lo mo san do bao cap doc la-Hinh-4
Anh Thuận hy vọng có dịp sẽ trao lại cuốn album cho gia đình trong ảnh. 
Anh Thuận cho biết, có nhiều đồ vật anh mua đắt rất nhiều so với giá trị thực của nó. Nhưng điều đó không quan trọng, quan trọng là anh thấy thích thú. Trong nhiều chuyến đi sưu tầm đồ bao cấp, có nhiều đồ vật anh được người dân tặng miễn phí. Như những chiếc bình tông đựng nước khi làm ruộng, hay những cuốn sổ lấy gạo. 
Dù bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua đồ vật bao cấp, nhưng anh Thuận chưa bao giờ bán món đồ nào. Có món đồ như chiếc tivi đen trắng cổ, có người ngả giá anh cả trăm triệu đồng, nhưng anh từ chối. Anh cho rằng, quý vật tìm quý nhân, phải có duyên anh mới sở hữu được đồ vật đó. Vì thế, anh muốn lưu giữ chúng bên mình. Tuy nhiên, khi anh thực sự quý mến ai, anh sẵn sàng tặng lại. "Chiếc xe đạp Pơ-giô tôi rất quý, nhưng mấy tuần trước một người bạn thân đến chơi, thấy tôi treo lên tường đẹp quá, anh ta bảo tôi nhượng lại, hết bao nhiêu tiền thì trả. Biết anh muốn mua chiếc xe về cho bố mình đi, nên tôi lấy xuống và tặng bạn", anh Thuận kể.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, anh Thuận hiện công tác trong đơn vị quân đội ở Hà Nội. Mỗi khi rảnh rỗi, anh dành thời gian sưu tầm đồ vật thời bao cấp. Anh ước mong sau này ngôi nhà của mình là nơi mọi người đến tham quan đồ vật thời bao cấp.
Đức Lợi
CÁC TIN KHÁC