Một lần đang lang lang trên Internet bắt gặp 1 chiếc đồng hồ treo tường cổ, lại nghe được những âm thanh độc đáo, những ký ức từ ngày còn thơ bé bỗng hiện về. Lục tìm, lại phát hiện ra Phố Đồng Hồ trên phomuaban.vn. Thế là chết mê chết mệt với các Cụ, các Ông đồng hồ xưa - có Cụ 125 tuổi, còn hơn tuổi Ông Ngoại mình. Dốc hết sức lực và bắt đầu sưu tầm từng cụ.
Lúc đầu là Treo tường ODO, Junghans, Kienzle ... Tự cảm nghĩ, mỗi dòng, mỗi cụ lại có những nét duyên độc đáo không lẫn vào đâu được từ hình thức và chất liệu thùng gỗ, mặt kính, mặt số, kim, lỗ... cho đến máy, số búa, kiểu goong... và những đoạn nhạc cổ điển thuộc hàng kinh điển. Một cụ, bộ goong có đầy đủ 7 nốt nhạc Do, Re, Mi, Fa, Sol, La, Si trên đúng 1 quãng 7 với số búa nhiều hơn thế, tạo ra những bản nhạc với giai điệu, tiết tấu độc đáo như bài Whittington Chimes hay bài Ma Normandie (tác giả Fréderic Bérat - viết năm 1836).
Rồi lại các bác Cookcoo độc đáo. Sao mà người ta giỏi thế, tinh xảo thế. Lan dần đến quí Ông, Quí Anh, Quí Chị để bàn với hằng hà kiểu dáng, kích cỡ, nguyên lý hoạt động...
Và bây giờ thì lại mê thêm các Bác đeo tay xưa, tự động có, lên giây có, to, nhỏ, dày, mỏng... ôi thôi nhiều!
Nói tận đáy lòng, thích lắm, nhưng hơi chới với trong thời buổi kinh tế đang rất khó khăn.
Chơi thì phải biết sửa. Tuy không còn trẻ lắm, thị lực cũng không còn sung mãn như hồi trẻ nhưng cũng ráng sắm sanh một bộ dụng cụ sửa đồng hồ - kể cả trục vít, clé, mỏ lết, ống điếu, kính lúp, đèn soi - để thỉnh thoảng mở ra ngắm và sờ mó tí xíu cho đã! Ước gì còn trẻ lại, song song với nghiệp đang theo đuổi cho tới bây giờ, mình học thêm được cái nghề sửa chữa đồng hồ cho thiện chiến khi tay chưa hề run, mắt vẫn hãy còn sáng.
Chỉ là tay mơ, cấp vỡ lòng đối với giới chơi đồng hồ và có thể đã từng đạp mìn, trúng bom. Nhưng điều đó không quan trọng, vì là học phí, mình phải trả.
Cuối tuần, ảnh hưởng mưa bão ngoài Biển Đông, phố núi Kon Tum nguyên bản đã buồn lại càng buồn hơn. Đứng trên cầu, nhìn xuống giòng sông Đakbla chảy ngược, nước đỏ ngầu đang dâng, cuộn sôi hung dữ, mang theo từng đám lá khô và củi mục từ thượng nguồn Măng Đen về. Nhìn ngược về dãy Ngọc Linh và dãy Chư Mom Rây xa mờ chẳng thấy gì ngoài một bầu trời xám xịt. Về nhà, trời lại tiếp tục mưa rả rích, ướt lạnh, ước gì được ngồi bên bếp lửa than ăn bánh xèo vỏ lá hẹ Mẹ đổ từng lá như ngày xưa ta bé. Nhưng làm gì còn cảnh ấy. Trong tiếng tích tắc của đồng hồ, nhìn cụ Di Lặc hiền hòa, vô tư thấy lòng mình dịu lại; Nhìn bức phù điêu gỗ chạm Bát Mã thấy sức ta vẫn còn sục sôi và nhắc ta không bao giờ nhụt chí; Nhìn Cụ Rùa nhắc ta chớ nên nóng vội. Bỗng những âm thanh cổ vang lên, 11 giờ rồi. Bài Wesminter, bài Ma Normandie, bài Whitting Chimes gợi nhắc khung cảnh thanh bình nông thôn miền trung châu Âu bên dãy An Pơ, bên dòng sông Danube hay bên bờ biển miền Tây Nam nước Pháp. Tiếng búa gõ giờ trên goong thẳng tạo hợp âm vang rền như tiếng chuông nhà thờ Gỗ. Tiếng búa gõ giờ trên goong vòng như tiếng chuông chùa Tổ đình Bác Ái. Lẫn đâu đây nhưng tiếng chim cookoo. Cuộc sống vẫn còn nhiều bề bộn, lo toan nhưng trong khung cảnh này, lòng mình đầy thanh thản.
Lên phố đăng tin vài dòng cảm nhận, đồng thời kính nhờ các Bác thâm hậu trong giới đồng hồ (không phân biệt tuổi tác, giai cấp, địa vị, tôn giáo, vùng miền, nghề nghiệp, sợ vợ nhiều, ít hoặc không sợ vợ) phán cho Em những nhận xét chân tình về một số cụ đã sưu tập được để bản thân học hỏi và rút kinh nghiệm. Ngõ hầu góp phần nhỏ xây dựng phố ta càng hoàn thiện, như một xã hội mơ ước của những người cùng đam mê.
----------------------------------------------------------------------------
TAG: đồng hồ liên xô,
đồng hồ trung quốc,
đồng hồ ODO,
đồng hồ vedette,
đồng hồ junghans,
đồng hồ Thụy Sỹ,
đồng hồ cổ,
phụ kiện đồng hồ,
đồng hồ tiệp,
để bàn vai bò,
vật dụng thời bao cấp,
đèn cổ,
bếp dầu,
bàn là con gà,
quạt điện,
đèn bão,
đèn hoa kỳ...