Chỉ đường →
0
CHUYÊN BÁN ĐỒNG HỒ CỔ - UY TÍN - CÓ BẢO HÀNH
093 464 1088   024 6680 9640
HH1A - Chung cư HH Linh Đàm - Hoàng Mai - Hà Nội

SỐ TÀI KHOẢN
Đào Thị Hạnh 0451 001 392 115 - Vietcombank - Hà Nội
BANDONGHOCO.COM Cổ vật trong nước
Cây cột đồng hồ duy nhất ở Hà Nội

Người Pháp đã dựng cây cột này vào những năm đầu của thế kỷ trước. Cây cột được đúc bằng gang mang từ Pháp sang, được trang trí hoa văn, họa tiết khá đẹp, trên đỉnh được lắp một cái đồng hồ, người dân quen gọi là cột đồng hồ…

Người Pháp đã dựng cây cột này vào những năm đầu của thế kỷ trước. Cây cột được đúc bằng gang mang từ Pháp sang, được trang trí hoa văn, họa tiết khá đẹp, trên đỉnh được lắp một cái đồng hồ, người dân quen gọi là cột đồng hồ cổ

Hoài niệm một thời chưa xa

Từ cột đồng hồ này, ngày xưa mọi người dễ dàng đi vào các phố cổ: Mã Mây, Hàng Giầy, Hàng Buồm, Hàng Mắm, Hàng Bạc, để đến các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, ra hồ Hoàn Kiếm… Hoặc từ cột đồng hồ cổ đi chếch phía bờ sông Hồng là bến tầu thuỷ neo đậu. Thời ấy, khu vực này chưa có đê, nên việc đi lại từ trung tâm phố cổ qua cột đồng hồ đến bến tàu thủy rất thuận tiện.

Hà Nội thay đổi theo thời gian, thời cuộc: Bom đạn trong những ngày toàn quốc kháng chiến, Hà Nội “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, rồi những năm bom Mỹ đánh phá nhiều đường phố, đánh phá cầu Long Biên, những năm Hà Nội xây dựng hàn gắn vết thương sau chiến tranh, đường phố được nâng cấp mở rộng, nhà ở được xây thêm… Nhưng cột đồng hồ vẫn còn đó, “hiên ngang” trên một đảo bê tông giữa ngã năm đường phố, thông tin giờ phút cho mọi người. Ngày ấy trẻ em vẫn thường thách đố nhau rằng: “Một chọi một, lên cột đồng hồ”.  

Giờ cột đồng hồ cổ được trả về nơi vốn có của nó. Tuy không còn bóng dáng một đảo tròn giữa lòng đường trống vắng, không còn nhìn thấy một bờ đê cũ,... nhưng giờ đây, thay vào đó lại có một nút giao thông lập thể và một cây cầu sắt mới mang tên Chương Dương, vừa dài vừa rộng, vừa vững chãi hơn cầu Long Biên cách đó chỉ vài trăm mét.

Cầu được kết tinh bởi khí phách quật cường dân tộc, hào khí Thăng Long - Hà Nội, được thấm đượm bằng công sức và trí tuệ của những cán bộ, kỹ sư và thợ cầu Việt Nam trên tinh thần tự lực, tự cường. 

Những năm 80 của thế kỷ trước, tình hình giao thông của Hà Nội rất phức tạp, đặc biệt là giao thông qua sông Hồng. Mặc dù đã có cầu phao, nhưng lưu lượng các loại phương tiện đi qua cầu Long Biên rất lớn, làn đường dành cho xe ô tô qua cầu lại quá nhỏ, nên thường xảy ra ách tắc giao thông nhiều giờ.

Trong khi đó, cầu Thăng Long còn đang thi công dở dang, hơn nữa vào những năm đó, nếu cầu được làm xong, cầu Thăng Long cũng không thể giải quyết dứt điểm bài toán giao thông cho nội thành Hà Nội.

Theo quy hoạch, Hà Nội cần có thêm bốn cây cầu qua sông Hồng, trong đó có một cầu để vào trung tâm thành phố là ưu tiên số 1. Vì lẽ đó Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định giao Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội xây trước một cây cầu treo tại khu vực này.

Vào thời điểm giữa năm 1983, khu vực này được rào kín lại để xây cầu. Kể từ đó, không còn ai còn nhớ đến cột đồng hồ nữa. Việc xây cầu ai cũng biết, nhưng chuyện xây cầu như thế nào, không phải ai cũng rành. Không gian nơi đặt cột đồng hồ và cả cây cột đồng hồ, được đặt ở phía Đông phố cổ bỗng chốc đi vào dĩ vãng, để nhường chỗ cho công trường xây dựng.

Trả lại cột đồng hồ cho phố cổ

Lúc đầu Bộ GTVT dự định xây ở đây một cây cầu treo bằng dây cáp, bởi vậy lúc khởi đầu cầu có tên gọi là: Cầu treo Mùa Xuân. Tuy nhiên, sau đó cầu được đổi tên gọi. Tại cuộc họp báo ở khách sạn Giảng Võ - Tòa nhà cao nhất Hà Nội lúc bấy giờ, ông Đồng Sĩ Nguyên, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng GTVT nêu lý do: “Sở dĩ đặt tên cầu là Chương Dương bởi đây là tên một bến trên sông Hồng, thuộc huyện Thường Tín, nơi đã vang lừng chiến thắng đánh bại quân Nguyên - Mông vào thế kỷ 13, nay được đặt tên cho cây cầu ở Thủ đô. Điều này để khơi dậy khí thế Chương Dương trong thi đua lao động sản xuất, trên tinh thần tự lực tự cường của Việt Nam, đặc biệt là với cán bộ, công nhân ngành GTVT. Với khí thế Chương Dương ấy, Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng và TP Hà Nội mong muốn cán bộ công nhân GTVT sẽ vượt mọi khó khăn, quyết tâm xây dựng thành công một cây cầu, bằng mọi nguồn lực trong nước”.

Ngày 30/6/1985, cầu Chương Dương được tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng, vượt tiến độ 12 tháng. Cầu được đưa vào sử dụng ngay và từ đó gần trọn một thập kỷ, cây cầu đã cải thiện đáng kể ách tắc giao thông, trở thành tuyến giao thông huyết mạch nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc và phía Đông của đất nước.

Cũng từ đó, hệ thống cầu phao qua sông Hồng không còn nữa. Nhưng sau đó, Hà Nội được mở rộng, lưu lượng ô tô và xe máy tiếp tục phát triển nhanh, nhu cầu đi lại khá lớn, do đường lên xuống cầu không thông thoáng và thuận tiện, nên tình trạng tắc nghẽn giao thông lại thường xuyên xảy ra, thường là vào những dịp lễ, Tết.

Để giải bài toán ách tắc trên cầu Chương Dương, mãi đến 15 năm sau, khi QL 5 được cải tạo và mở rộng, tuyến đường mới từ Sài Đồng (Gia Lâm) đi Lạng Sơn được mở, nút giao thông Nam cầu Chương Dương mới được triển khai xây dựng, nhằm tạo cho sự thông thoáng, giảm ách tắc giao thông qua cầu. 

Người dân nơi đây rất bất ngờ bởi chỉ trong vòng 16 giờ đồng hồ, những người thợ cầu thi công nút giao thông Chương Dương đã đổ xong một khối lượng bê tông khá lớn của bốn nhịp dầm liên tục, một ngày có thể khoan và đổ bê tông xong 6 cọc khoan nhồi, trong vòng một tuần lễ đổ xong 7 trụ và đúc được năm phiến dầm có sức nặng từ 250 đến 280 tấn.

Mọi người cũng không hề biết rằng, những người thợ cầu đường ứng xử rất văn hóa với cây cột đồng hồ, bởi trong những thời điểm khó khăn về sắt thép, trong “phong trào” toàn xã hội tham gia buôn bán sắt vụn, nhưng nhà thầu Công ty Cầu 12 vẫn còn giữ được cây cột đồng hồ được đúc tại nước Pháp, một bảo vật của phố cổ Hà Nội xưa.

Ngày 11/4/2001 tại lễ thông nút giao, ông Tạ Đình Bẩy, Giám đốc Công ty Cầu 12 đã báo cáo với Bộ trường GTVT Lê Ngọc Hoàn, lãnh đạo thành phố Hà Nội cùng toàn thể bà con nhân dân chứng kiến lễ thông xe nút giao Chương Dương rằng: “Khi thi công cầu Chương Dương, cây cột đồng hồ có từ thời Pháp, đã được Công ty mang về cất giữ bảo quản nguyên vẹn. Nay hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tại công trình lịch sử này, Công ty Cầu 12 xin bàn giao lại cây cột đồng hồ cổ cho thành phố và đặt lại cột đồng hồ ngày xưa tại vị trí giao nhau giữa cầu và nút giao thông. Việc đặt lại cột đồng hồ về nơi đây, là thể hiện tấm lòng của những người thợ cầu của ngành GTVT Việt Nam với Thủ đô thân yêu”.

Khi dựng lại cột và lắp đồng hồ, đã có rất nhiều người đến đây mân mê ngắm nghía cây cột xưa, tưởng đã vĩnh viễn đi vào quên lãng, nay được trả về nơi nó tồn tại bao nhiêu năm. Sự việc này  làm cho nhiều người dân nơi đây xúc động vô cùng. Bởi  với nhiều người Hà Nội, cột đồng hồ như một báu vật, đã gắn bó máu thịt với họ cả trong chiến tranh lẫn thời bình.

Chu Soàn

CÁC TIN KHÁC